Sau
những thăng trầm, làng nghề làm than hầm ở xã Đại
Thành, TX.Ngã Bảy bắt đầu hưng thịnh trở lại do nguồn
nguyên liệu, đầu ra của sản phẩm ổn định. Đây cũng
là điều kiện để Đại Thành phát triển làng nghề
truyền thống, tạo thu nhập ổn định cho hàng chục gia
đình ở địa phương.
* Thách
thức
Gia đình ông
Chung Văn Mao, ở ấp Đông An A, xã Đại Thành dù nhiều
lúc giá than không ổn định, nhưng vẫn gắn bó với nghề
làm than từ khi nghề này mới vừa nhen nhóm. Một năm,
gia đình ông Mao hầm khoảng 10 lần than, sau khi trừ các
khoản chi phí từ củi hầm than, thuê mướn công lao động,
củi đốt lò… cũng còn thu nhập trên 30 triệu đồng.
Với số tiền này, cùng với 4 công ruộng đã giúp gia
đình ông có cuộc sống ổn định. Theo ông Mao, nghề hầm
than vất vả, lợi nhuận không cao, nhưng cho thu nhập
thường xuyên, đảm bảo chi phí để trang trải cuộc
sống hàng ngày.
Hình thành và
tồn tại hàng chục năm qua, làng nghề hầm than ở xã
Đại Thành trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm bởi
tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu. Ông Mao kể: “Có
lẽ do chính sách cấm khai thác vận chuyển gỗ mà những
năm trước, có lúc không còn tàu, ghe chuyên chở củi đến
đây cung cấp, khiến cho nhiều lò than ở đây phải ngưng
hoạt động, hoặc chỉ làm cầm chừng”.
Hiện nay, toàn xã Đại Thành có 23 hộ
dân tham gia nghề hầm than củi, với số lượng 36 lò,
tăng 6 hộ, 8 lò so với 5 năm trước, tập trung chủ
yếu ở ấp Đông An và Đông An A của xã.
|
“Tiền trao
cháo múc” đó là quy tắc thông thường trong các hoạt
động mua bán các sản phẩm hàng hóa, nhưng đối với
than lại khác. Thương lái mua than không trả tiền ngay, mà
sau khi bán than xong họ mới thanh toán tiền cho chủ lò.
Sau nhiều năm làm than, có lúc ông Lương Văn Phòng, cùng
ấp Đông An A phải “treo lò” do không còn vốn để mua
nguyên liệu. Ông Phòng kể: “Trở lại nghề này được
5 năm, trước đây thương lái đến mua than thiếu rồi bỏ
trốn làm cho gia đình rơi vào cảnh khốn đốn. Không
tiền mua củi hầm than, có một thời gian tôi phải chuyển
sang nghề khác để mưu sinh”. Năm vừa rồi, cũng nhờ
hai lò than hầm, ông Phòng có mức thu nhập khoảng 60
triệu đồng.
Làm than đã
trở thành một làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, do
khói, bụi, nên nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con
người và môi trường. Chủ tịch UBND xã Đại Thành Lê
Hùng Chiến, cho biết: “Đây là nghề thủ công truyền
thống, xã đang khuyến khích vì góp phần rất lớn trong
công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết một lượng
lớn lao động phổ thông tại địa phương. Song, để
giảm nguy cơ bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng môi trường
tại làng nghề đốt than, xã kết hợp với Phòng TN-MT
thị xã tiến hành kiểm tra, đánh giá tác động môi
trường của làng nghề để có cách hạn chế. Đồng
thời, tuyên truyền việc nâng cao ý thức sử dụng dụng
cụ bảo hộ lao động cho người dân trong làng nghề.
* Nhiều
triển vọng
Tính từ lúc
chất củi vào lò cho đến khi có được than thành phẩm,
thời gian kéo dài khoảng một tháng. Trong thời gian này,
chủ lò hầu túc trực thường xuyên khoảng 20 ngày để
canh và giữ lửa, sau đó “bế” (để trong lò) khoảng
10 ngày cho than nguội mới đem ra bán. Theo ông Mao, khâu
chất củi vào lò để hầm và lấy than có thể thuê mướn
nhân công làm, nhưng khâu đun củi đốt lửa hầm than rất
quan trọng, chủ lò phải theo dõi thường xuyên lượng
khói bốc lên trên ống khói để điều tiết lượng củi
đốt cho phù hợp, nếu không than bị bể thì coi như mẻ
đó mất trắng. Đặc biệt, nhờ cải tiến hình thức
chất củi theo chiều ngang đã tăng thêm sức chứa củi
trong hầm lò, thay vì sử dụng chiều đứng như trước.
Một lò than có thể hầm khoảng 50 m3 củi tươi và cho
các chủ lò thu về được khoảng 10-11 tấn than thành
phẩm. Nguyên liệu củi phục vụ nhu cầu đốt than khá
đa dạng, không chỉ có cây đước, một số loại cây ăn
trái, cây tạp như bạch đàn, nhãn, xoài… nhưng củi
đước luôn được chủ lò than ưa chuộng, dù giá cao hơn
các loại củi khác. Ông Phòng cho biết thêm: “Hầm củi
đước, than đạt chất lượng, giá bán cao, thay vì sử
dụng bạch đàn phải tốn thêm thời gian, công sức lột
vỏ mới đưa vào hầm được”.
Từ đầu năm
đến nay, giá than đước luôn ổn định ở mức từ
5.000-7.000 đ/kg. Mặc dù giá củi đước nguyên liệu cao,
từ 1-1,2 triệu đồng/m3 nhưng các chủ lò vẫn có lãi từ
3-5 triệu đồng/mẻ. Ông Phòng bộc bạch: “Than làm ra
không sợ ế, dù mắc hay rẻ cũng có người mua, nếu giá
thấp có thể vựa lại trong lò chờ giá. Chưa hết, chúng
tôi còn nghe nói than đã được xuất khẩu sang nước
ngoài nên người làm than ở đây rất yên tâm sản xuất”.
Ông Lê Hùng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đại Thành cho biết
thêm, nhằm củng cố lại làng nghề truyền thống, trước
mắt xã thành lập những tổ hợp tác để từng bước
hướng người làm nghề quen mô hình kinh tế tập thể.
Sau khi sản xuất ổn định, sẽ tiến tới xây dựng HTX
để thuận lợi trong quản lý môi trường, hỗ trợ vốn,
xây dựng thương hiệu, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản
phẩm…
Bài, ảnh: NGUYỄN
NGUYỄN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét